Những sai lầm của người biên dịch

Trong quá trình tác nghiệp, hiếm có người phiên dịch nào tự vỗ ngực coi mình là “con át chủ bài”. Bởi vì, phiên dịch là một trong số những nghề hết sức “nguy hiểm”, thành công có thể gặt hái trong hôm nay, còn ngày mai là thất bại ê chề. Chỉ đơn giản là do một sai lầm rất ấu trĩ. Dưới đây là một số lỗi mà chúng ta thường phạm phải khi hành nghề.

1. Tác phong làm việc

Điều kị nhất khi phiên dịch là dám “cả gan” đứng (ngồi) bên phải của khách chính. Theo thông lệ ngoại giao, vị trí này chỉ dành cho phụ tá, trợ lý hoặc cấp phó của khách chính. Phiên dịch thường được xếp đứng (ngồi) bên tay trái, hơi lùi về phía sau một chút so với khách chính, tránh ống kính của giới báo chí truyền thông càng nhiều càng tốt. Khi đi lại, cũng nên chú ý đi bên trái, lùi phía sau so với khách chính. Nếu phiên dịch “lăng xăng” chạy trước khách chính, sẽ bị coi là thất thố trong lễ tân ngoại giao.
2. Về trang phục

Hẳn là không khách chính nào muốn các thành viên trong đoàn lại “nổi trội” hơn mình. Vì thế, nếu dịch tháp tùng, hội nghị, phiên dịch cần chọn trang phục đúng mực, có tông màu nhẹ hơn, nhạt hơn so với khách chính. Tuyệt đối không sử dụng trang phục lòe loẹt, quá thời trang. Ví dụ, nếu khách chính mặc complê đen, áo sơ-mi trắng, thắt ca-ra-vát màu đỏ thì phiên dịch nên mặc tương tự, nhưng thắt ca-rat-vát màu xanh nhạt. Cho dù là dịch “song song”, ngồi trong ca-bin, cách xa khu vực hội họp, phiên dịch cũng nên ăn mặc lịch sự. Áo phông, quần bò là những thứ cấm kỵ đối với phiên dịch hội nghị.
3. Về trình độ kiến thức

Một trong những nguyên tắc hàng đầu là không bao giờ được tỏ ra “thông minh” hơn khách chính. Cho dù phiên dịch viên có kiến thức uyên thâm đến đâu cũng không nên “khoe hàng” để tỏ ra nổi trội. Tìm ra phương án dịch hay, thanh thoát là rất tốt. Tuy nhiên, giải pháp an toàn nhất chính là cách dịch đúng từng-chữ-một. Thoạt nghe, tưởng là đơn giản, nhưng kỳ thực việc này rất khó (!) Chỉ những người không thể dịch đúng, dịch sát từng-chữ-một mới cố tình chọn một phương án khác, dài (ngắn) hơn, diễn đạt “thoáng” hơn.
4. Về giọng nói

Người phiên dịch là người điều phối phiên làm việc giữa hai đối tác khác nhau về ngôn ngữ và phông văn hóa. Vì thế, một yêu cầu bắt buộc đối với phiên dịch là phải có chất giọng truyền cảm, phát âm rõ ràng, lưu loát. Hãy đến thăm vịnh Hạ Long và nghe các hướng dẫn viên du lịch kiêm phiên dịch cho đoàn. Thói quen xấu, nhầm lẫn giữa “L” và “N” của họ đã chuyển di tiêu cực sang cả tiếng Anh, tiếng Nga… và đã giết chết cảm hứng của du khách thăm Vịnh. Một ví dụ khác, chất giọng the thé không thể làm hài lòng quan khách hội nghị cho dù phương án dịch có hay đến đâu đi chăng nữa. Vì vậy, nếu sinh nghề tử nghiệp với phiên dịch, hãy chăm chỉ luyện giọng mỗi ngày cho dù bạn đã được trời phú cho một chất giọng truyền cảm. Hãy đọc báo, đọc sách, đọc truyện thành tiếng như trẻ tiểu học tập đọc vậy.
5. Biết mình, biết người trăm trận trăm thắng

Phiên dịch “phủi” thường tác nghiệp rất nhanh, cả đến và đi đều rất nhanh. Đôi khi, trong con mắt của khách hàng, họ là những người được việc. Sự thực, không phải vậy. Để có một phiên làm việc thành công, người phiên dịch phải trải qua các bước như tìm hiểu hoạt động của đối tác, các văn bản, văn kiện liên quan, theo dõi tình hình của lĩnh vực dịch thuật trong suốt một thời gian dài. Vì thế, tiền thù lao cho phiên dịch không chỉ là khoản kinh phí chi trả cho một phiên làm việc nhất định, mà đó là giá trị tích lũy của một cá nhân (tập thể) phiên dịch trong nhiều ngày, nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Những người phiên dịch giỏi thường rất “chảnh”, họ sống bằng nghề dịch nhưng không phải cứ quăng một đống tiền là thuê được họ. Đạo đức nghề nghiệp không cho phép họ “dịch phủi”. Điều này cũng giống bóng đá, có thể anh khống chế bóng rất giỏi, xử lý kỹ thuật rất khéo léo, sút bóng hiểm hóc, chạy chỗ trống rất tài tình, nhưng nếu cả đời anh chỉ đá ở sân Long Biên, Ngoại giao đoàn Vạn Phúc hoặc Bách Khoa, thì muôn đời anh vẫn chỉ “đá phủi” chứ làm sao mà lên chuyên nghiệp được!

Để lại một bình luận